Ngoài việc phải bồi thường cho nhà thầu, môi trường đầu tư của TP HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu tuyến metro số 1 dừng thi công.
Kế hoạch đưa tuyến metro đầu tiên của TP HCM (Bến Thành – Suối Tiên) vào hoạt động từ năm 2020 đang có nguy cơ phá sản khi dự án liên tục rơi vào tình trạng “đói” vốn. Nhà thầu Nhật Bản không còn đủ kiên nhẫn, nhiều lần gay gắt yêu cầu phải thanh toán, nếu không sẽ dừng thi công. TP HCM (chủ đầu tư) có thể lần thứ ba phải tạm ứng ngân sách riêng (hơn 2.000 tỷ đồng) trong khi chờ Trung ương giải quyết “điểm nghẽn” chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, không giấu được vẻ sốt ruột khi đề cập tình trạng liên tục mắc nợ nhà thầu. “Nếu họ giãn tiến độ thi công hoặc tạm ngưng thi công, ngành đường sắt đô thị thành phố phải đối mặt với 3 nguy cơ lớn”, ông Quang giọng lo lắng.
Thứ nhất, nếu nhà thầu giãn tiến độ thi công, các chuyên gia ra đi và thiết bị máy móc cũng sẽ bị trả lại (chi phí thuê chuyên gia rất đắt và họ không thể chờ). Một khi họ và máy móc đã đi thì sau này muốn thi công trở lại ngay là không thể được.
Thứ hai, căn cứ hợp đồng đã ký, nếu TP HCM thanh toán chậm phải trả lãi và bồi thường thiệt hại liên quan. Khối lượng công việc của dự án hiện đã thực hiện khoảng 40%. Có nhà thầu đã đề cập việc sẽ chấm dứt hợp đồng và kiện chủ đầu tư. Nếu điều đó xảy ra hai bên sẽ không tập trung làm dự án mà chỉ giải quyết mâu thuẫn, chắc chắn ảnh hưởng đến tiến độ.
Thứ ba, sự chậm trễ dự án do vấn đề bố trí vốn sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh thu hút đầu tư của TP HCM.
Theo ông Quang, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã bày tỏ quan ngại về tình hình dự án metro Bến Thành – Suối Tiên với lãnh đạo TP HCM cũng như Chính phủ Việt Nam.
“Khi đặt vấn đề về vốn cho một số tuyến metro khác, phía JICA nói thẳng ‘trước khi bàn chuyện đó thì phải bàn việc thanh toán tiền cho các nhà thầu’. Từ thực tế của tuyến metro này, JICA rất quan ngại trong việc bố trí vốn cho các dự án khác”, ông Quang nói.
Với tư cách là chuyên gia độc lập trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh: “Thiệt hại đầu tiên TP HCM gánh chịu là phải bồi thường về kinh tế cho các nhà thầu vì sai hợp đồng, con số này là không nhỏ”.
Ngoài ra, dự án càng để lâu sẽ càng bị đội vốn. So với ban đầu, hiện tổng mức đầu tư dự án (2,49 tỷ USD, tương đương 47.000 tỷ đồng) đã tăng gần gấp ba, nếu tiếp tục chậm chắc chắn con số này lại tăng.
“Trước sau gì cũng phải làm thì các bộ ngành cần sớm giải quyết dứt điểm các vướng mắc để dự án hoàn thành đúng tiến độ”, ông Sơn nói.
Hệ lụy tiếp theo được ông Sơn chỉ ra là, khu vực trung tâm thành phố đang giống một công trường khổng lồ để phục vụ dự án. Tình trạng này không chỉ gây kẹt xe, bức xúc cho người dân mà còn gây thất thu cho các cửa hàng dịch vụ, trung tâm thương mại do phải đóng cửa cả năm nay. Nhà nước cũng bị thiệt hại vì không thu được thuế.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, TP HCM nếu không làm hoàn chỉnh tuyến metro số 1 cùng các công trình kết nối thì rất khó bắt tay vào làm các tuyến khác.
Về việc dự án metro Bến Thành – Suối Tiên chậm giải ngân vốn đầu tư công, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/10, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, do dự án tăng vốn quá cao nên “thẩm quyền quyết định thuộc Quốc hội”, trong khi lãnh đạo Quốc hội chưa nhận được báo cáo.
Trong khi đó, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM Lê Nguyễn Minh Quang khẳng định: “Hàng năm thành phố đều báo cáo hồ sơ đầy đủ, còn lại vấn đề là Bộ Kế hoạch đầu tư chưa báo cáo lên các cấp. Như vậy, TP HCM đã làm đúng trình tự, thủ tục”.
Ông giải thích, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 49 về đầu tư công, với tổng mức đầu tư được điều chỉnh từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ, dự án metro Bến Thành – Suối Tiên phải được Quốc hội xem xét. Do đó, lãnh đạo TP HCM hồi tháng 6 kiến nghị Thủ tướng cho ý kiến (do Chính phủ mới có thẩm quyền trình ra Quốc hội).
“Đến nay những việc cần giải trình thành phố đều đã làm đủ. Mong các Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho dự án”, ông Quang nói.
Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cũng phản bác quan điểm “thành phố đề nghị tăng vốn dự án nhưng chưa ai phê duyệt”.
Ông Quang cho hay, năm 2007 tư vấn trong nước là Công ty Tedi – South lập dự án với tổng mức đầu tư một tỷ USD (tương đương 17.000 tỷ đồng thời điểm đó). Nhưng sau đó TP HCM đàm phán với Nhật Bản và tuyển chọn nhà tư vấn NJPT vào làm lại, tổng vốn đầu tư lên 2,5 tỷ USD (tương đương 47.000 tỷ đồng).
Lý do tăng vốn đến mức “chóng mặt” được thành phố giải thích “đây là dự án đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm”, nhiều vấn đề không phù hợp, đặc biệt là vì trượt giá.
Trước khi đưa ra con số 47.000 tỷ đồng, Việt Nam đã yêu cầu tư vấn độc lập từ CPG và SMRT của Singapore thẩm tra, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là nhà tài trợ vốn, không phản đối báo cáo này.
Đến tháng 7/2010, TP HCM trình Thủ tướng xin chủ trương điều chỉnh dự án, các Bộ đều thống nhất. Sau đó, Thủ tướng “đồng ý cho UBND TP HCM phê duyệt điều chỉnh dự án” và đến tháng 9/2011 UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư 47.325 tỷ đồng.